Chưa biết đến đâu để giải stress trong kì nghỉ hè sắp tới thì Ninh Thuận là một địa điểm rất đáng đến và trải nghiệm các bạn nhé. Bài review kinh nghiệm du lịch tự túc đến Ninh Thuận được chia sẻ từ bạn Nhật Trường hết sức chi tiết, các bạn cùng tham khảo nha.
Tóm tắt nội dung
KINH NGHIỆM DU LỊCH TỰ TÚC ĐẾN NINH THUẬN XINH ĐẸP
NGÀY 1 Ba bà già tự túc (theo lời 1 bà trong nhóm là để mấy bả tự lăn lộn cho biết cái nắng cái gió và cái tính người Phan Rang)
Sáng ngày đầu tiên đi được Làng gốm Bàu Trúc và làng Sen Mỹ Nghiệp (SaraPhat, mấy bả đi về mà cứ khen ông anh dễ thương ở làng Sen vì đã cho mấy bả 1 cái bông sen để sống ảo).
Trưa mấy bà già về ngủ muốn mập mặt mới chịu dậy, chiều đi được mỗi cái vườn nho Ba Mọi mà vẫn tỏ vẻ thích thú lắm (vườn nho rộng, đẹp, nhiều loại nho, chủ vườn dễ thương còn dẫn đi tham quan vườn nho đen và kể chuyện về các giống nho, cách làm rượu vang và những chuyện xưa của bác chủ, mấy bả ghiền bác chủ vườn nên về cứ khen mãi)NGÀY 2 Có HDV+photo+khiêng đồ
– 4h bắt đầu di chuyển đến Hang Rái ngắm bình minh (một trong những nơi ngắm bình minh đẹp và dễ đi nhất ở Ninh Thuận) giá vé 20k/ng.
– Sau một hồi chụp choẹt và ngắm bình minh thì nhóm tiếp tục di chuyển về Vĩnh Hy ăn sáng…
– Sau khi đc nạp đồ ăn đưa các chị đến cung đường ven biển Vĩnh Hy – Bình Tiên (một trong những cung đường ven biển đẹp của Việt Nam mình )… Có dừng lại tranh thủ cởi… giáp chống nắng chụp choẹt vài phát và di chuyển tiếp đến Bình Tiên…..
– Đến Bình Tiên thì các bà nêu cao tinh thần tự sướng chụp liên tục chụp không ngừng nghỉ chụp lag luôn cái đt. Lúc này tourguide chỉ biết nhìn và làm trách nhiệm cao cả đó là… Giữ xe.
– Sau Bình Tiên nhóm mình ra ngã ba QL1 – Bình Tiên ăn dê, rồi di chuyển về nhà nghỉ và nghỉ ngơi tránh nắng lấy sức chiều đi đồng cừu An Hòa.
– Nghỉ ngơi đến độ 3 rưỡi team lại xách cái mông lên và chạy hơn 30p để đến đồng cừu. Tham quan và đc sự hổ trợ nhiệt tình từ những cô cậu bé nhỏ tại đồng cừu An An, khi tham quan xong tùy lòng hảo tâm gửi các bạn nhỏ ý một ít tiền ăn quà vặt nhé. Đồng cừu An An cừu rất nhiều, lông sạch và ít hôi vì được tắm thường xuyên, đồng cỏ xanh rì và xung quanh có nhiều cây cối (theo lời 1 bà chị là thích hợp để sống ảo).
Sau khi đã ôm và dê mấy con cừu người cũng có một chút mùi cừu nhưng cả nhóm vẫn quyết định sang chảnh là không tắm và đi ăn bún sứa Kiều (25k/tô to và đầy đủ nhé)… Vét sạch tô bún sứa mình cùng 3 bà già kéo ra chợ Phan Rang làm tiếp 4 bịch sinh tố giá hạt dẻ (10 – 20k) tùy loại tại quầy sinh tố Chú Bé, rồi kéo về nhà ngủ sớm sau một ngày dài vật vã lăng lê bò trường
NGÀY 3 Tourguide+bao cát+xách đồ+photo+mẫu ảnh…. Nhiều chức năng
– Hơn 6h, team khởi hành đi hướng mũi Dinh. Điểm dừng đầu tiên trên tuyến đường là đồi cát Nam Cương. Ở đây những tấm hình bựa của các bà già FA đã ra đời. Nói một chút về Nam Cương. Phần nhiều người không thấy Nam Cương đẹp, rất rất ít người thấy đẹp.
– Tiếp đến mình đưa các chị già đến cánh đồng điện gió Mũi Dinh tại đây một bà già đã xỉu vì đói trong lúc chờ 2 bà già kia chụp hình.
– Đường đến Mũi Dinh có gặp 1 triền cát rất đẹp nhưng cả nhóm đã chụp ở Nam Cương nên không dừng lại chụp choẹt gì, nhưng cát ở đó mịn và có vẻ ít người biết đến nên vẫn còn vân cát rất đẹp.
– Vì đi sớm nên chưa ăn gì cả nhóm cố chạy đến gần Mũi Dinh ăn sáng, xong là chạy thẳng cung đường ven biển Mũi Dinh – Cà Ná… Cuối cung đường có một cái cầu cảng cũ nho nhỏ và nước thì trong xanh nhé… Chịu khó chút là sẽ có ảnh sống ảo tung chảo. Đối diện cảng nhỏ ấy là cánh đồng muối Cà Ná với các đống muối khổng lồ, các bạn có thể lấy muối trắng hoặc ruộng muối làm nền cũng rất ổn, nhưng nhớ xin phép người dân nhé. Nói về đồng muối, mấy bà già chưa thấy núi muối bao giờ nên còn ố á bảo sao có cái kim tự tháp màu bạc đẹp.
– Chụp xong là vừa đói nên team mình di chuyển tiếp đến nhà hàng Hòn Cò view biển có thể tắm nếu thích. Giá cả cũng ok không chặt chém gì đâu nhé.
– Ăn no 4 người mình lại về nghỉ ngơi dành tiếp chút ít sức lực cho buổi chiều.
– Chiều đến nắng dịu ra chỗ mấy cây hoa giấy ngay đường Yên Ninh là đủ hình sống ảo.
– Điểm đến cuối cùng là Trùng Sơn Sơn Cổ Tự khá dóc đứng. Chúng mình leo tiếp lên đỉnh núi với view toàn cảnh một bên là biển, một bên núi, bên là thành phố… Xa xa là các cánh đồng điện gió. Tại đây các bạn có thể ngắm hoàng hôn nhé, nhưng lúc mình đi thì trời nhiều mây nên không thấy và không chụp hình đc. Đường leo lên thì khá chông chênh do toàn đá là đá nhưng lên đến nơi thì chút khổ cực ban đầu cảm thấy rất đáng luôn.
– Sau khi ăn kha khá đặc sản xứ nắng gió các bà già chọn món bún nem với chả cuốn (20k/bún nem và 15k/cuốn) no vãi linh hồn.
– 8h p.m tạm biệt 3 bà già + ế trả các bà về nơi sản xuất (Bình Định). Không quên hẹn gặp lại.
MỘT SỐ LƯU Ý:
– Ninh Thuận quê mình còn khá hoang sơ, dịch vụ thì ít nên nếu không thích cũng mong các bạn bỏ qua cho
– Quê mình thích hợp hơn cho những bạn yêu thích sự tự nhiên và hoang sơ thích khám phá sự cằn cỗi của xứ thừa nắng mà thiếu mưa này.
– Căn bản chuyến đi của 3 bà chị là theo tiêu chí ăn ngon ngủ khoẻ và có hình đem về, không theo xu hướng checkin đủ các điểm nên đã lược bỏ các điểm mà theo mấy bả là “nhân tạo”.
– Thật sự ai đã đến Ninh Thuận rồi mới biết được cái nắng khủng khiếp cỡ nào và biết được những người dân quê mình đen cỡ nào.
– Nhưng người dân quê mình vì chưa bị dịch vụ hóa quanh năm làm lụng nên tính tình chất phát, chân thật. Có lẽ ai nghe không quen sẽ thấy giọng quê của mình chua và nhanh nhưng thực sự lối sống tình cảm của người Ninh Thuận thì không “chua” như giọng nói tý nào cả
– Tất nhiên ở đâu cũng có người này người kia nhưng đừng vì một chút mà đánh đồng một khối thì oan cho dân mình.
– Mùa hè một số bãi biển sẽ có sứa và rác. Nói thì không ai tin nhưng rác tự nơi khác trôi tới cộng với một phần sự thiếu ý thức của một số bộ phận, chứ không phải biển quê mình ngặp rác như một số người nghỉ nhé.
– Mình viết theo cảm nhận và những phản hồi từ những người chị người anh mình may mắn được gặp và đồng hành cùng với các anh câc chị.
– Mình viết ra đây cũng chưa đầy đủ hết các điểm đến ở quê mình nhưng cũng tương đối, dành cho các bạn đã và đang có nhu cầu và ý định du lịch Ninh Thuận.